Sai lầm thường gặp khi tư vấn pháp luật bằng lời nói
Hoạt động tư vấn pháp luật là một hoạt động đa dạng, phức tạp đòi hỏi một quá trình lao động trí óc. Hiện nay, có nhiều hoạt động tư vấn pháp luật khác nhau. Tư vấn pháp luật bằng lời nói là một trong những hình thức tư vấn pháp luật.
1. Khái quát chung về tư vấn pháp luật bằng lời nói
1.1 Khái niệm “tư vấn pháp luật”
Có rất nhiều cách định nghĩa về tư vấn pháp luật:
Theo Từ điển Luật học, tư vấn pháp luật là việc người có chuyên môn về pháp luật được hỏi ý kiến để tham khảo khi giải quyết, quyết định công việc.
Điều 28 Luật Luật sư 2006 định nghĩa: “Tư vấn pháp luật là việc đưa ra hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ”. Như vậy, tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm giúp khách hàng thực hiện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
Điều 27 Luật trợ giúp pháp lí năm 2016 định nghĩa: “Người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, vướng mắc pháp luật của họ”
Có nhiều cách tiếp cận và định nghĩa khác nhau về tư vấn pháp luật, tuy nhiên, từ góc độ lý luận và thực tiễn, tư vấn pháp luật được hiểu là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài xử sự đúng pháp luật; cung cấp dịch vụ pháp lý giúp cho các cá nhân, tổ chức thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
1.2 Kỹ năng tư vấn pháp luật bằng lời nói
Căn cứ thực hiện tư vấn pháp luật bằng lời nói
- Tính chất vụ việc: đơn giản, ít phức tạp.
- Do khách hàng yêu cầu.
Khái niệm và đặc điểm tư vấn pháp luật bằng lời nói
Khái niệm tư vấn pháp luật bằng lời nói
Tư vấn pháp luật bằng lời nói là việc người tư vấn pháp luật sử dụng ngôn từ trong hoạt động nghề nghiệp để truyền đạt thông tin đến người được tư vấn nhằm cung cấp ý kiến pháp lý.
Đặc điểm
- Được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động nghề nghiệp của người tư vấn với người yêu cầu đặc thù.
- Nói của người tư vấn pháp luật là hoạt động có đối tượng, mục đích cụ thể.
- Nói là công cụ, phương tiện thực hiện nhiệm vụ nhà nước của người tư vấn.
- Tư vấn pháp luật bằng lời nói có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới việc bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Các hình thức tư vấn pháp luật bằng lời nói
- Tư vấn trực tiếp tư vấn pháp luật bằng lời nói.
- Tư vấn qua điện thoại, tổng đài tư vấn.
- Tư vấn qua đài phát thanh, truyền hình.
- Tư vấn trực tuyến…
Các yêu cầu đối với tư vấn pháp luật bằng lời nói
- Yêu cầu về nội dung nói: Đúng pháp luật; đầy đủ nội dung; nói một cách khách quan, không tùy tiện, khong suy diễn; nói có căn cứ; có lập luận chặt chẽ; nói có chất lượng.
- Yêu cầu về cách nói: Ngôn ngữ chuẩn xác, ngắn gọn, dễ hiểu; trình bày rành mạch, rõ ràng, logic; trình bày có tóm tắt, kết luận để khách hàng nắm được những điều quan trọng nhất; Cách nói phù hợp với từng đối tượng được tư vấn; nói hay, hấp dẫn.
Quy trình tư vấn pháp luật bằng lời nói
Nghe khách hàng trình bày.
Bất luận vấn đề cần tư vấn là gì, người tư vấn vẫn phải chăm chú lắng nghe trình bày tóm tắt của khách hàng. Trong quá trình khách hàng trình bày, người tư vấn cần chú ý lắng nghe và ghi chép những nội dung chính, sau đó có thể đặt những câu hỏi để khách hàng làm rõ thêm. Người tư vấn cần gợi ý những vấn đề để khách hàng trình bày đúng bản chất của vụ việc. Lưu ý khách hàng trình bày một cách vô tư, khách quan, không thiên vị, không chủ quan. Người tư vấn cũng lưu ý khách hàng rằng chỉ có thể đưa ra một giải pháp chính xác, đầy đủ và đúng pháp luật nếu như khách hàng trình bày vấn đề một cách trung thực và khách quan. Ngược lại, giải pháp mà người tư vấn đưa ra có thể không chính xác nếu khách hàng trình bày thiên vị
Tóm tắt yêu cầu của khách hàng, các tình tiết liên quan theo cách hiểu của người tư vấn.
Sau khi nghe khách hàng trình bày xong, người tư vấn nên diễn đạt lại câu chuyện của khách hàng theo cách hiểu của mình. Việc làm này nhằm mục đích đảm bảo rằng người tư vấn đã hiểu đúng câu chuyện của khách hàng và nếu phát hiện có điểm nào nhầm lẫn hoặc chưa rõ, khách hàng kịp thời đính chính ngay.
Yêu cầu khách hàng cung cấp các tài liệu liên quan đến việc cần tư vấn.
Khách hàng là người trong cuộc vì vậy trong phần lớn các việc mà họ yêu cầu tư vấn thường có các tài liệu, văn bản, thư từ giao dịch… liên quan đến vụ việc. Những giấy tờ tài liệu này phản ánh diễn biến của quá trình tranh chấp hoặc bản chất của sự việc. Sau khi khách hàng đã cung cấp đầy đủ các văn bản giấy tờ, tài liệu có liên quan, người tư vấn cần dành thời gian để đọc các giấy tờ, tài liệu đó. Khi đọc có thể đồng thời hình thành luôn giải pháp trên cơ sở sắp xếp các tài liệu theo tầm quan trọng của nó. Khi chưa chắc chắn hoặc tin tưởng về giải pháp mà mình sẽ đưa ra cho khách hàng thì người tư vấn không nên đưa ra giải pháp một cách vội vã
Tra cứu tài liệu tham khảo.
Việc dùng các quy định của pháp luật để làm cơ sở cho các kết luận của mình là điều bắt buộc. Đối với người tư vấn, việc tra cứu tài liệu tham khảo là điều bắt buộc bởi vì: Thứ nhất, để khẳng định với khách hàng rằng người tư vấn đang tư vấn dựa trên quy định của pháp luật chứ không phải theo cảm tính chủ quan của họ. Thứ hai, tra cứu tài liệu tham khảo giúp người tư vấn khẳng định chính những suy nghĩ của mình. Bởi vì không phải bao giờ người tư vấn cũng có thể nhớ chính xác các quy định của pháp luật về tát cả các vấn đề mà khách hàng yêu cầu
Định hướng cho khách hàng.
Về thực chất định hướng cho khách hàng là việc đưa ra giải pháp cho khách hàng để trả lời các vấn đề mà khách hàng yêu cầu. Tuy vậy việc trả lời trực tiếp bằng miệng cũng chỉ mang tính định hướng trên cơ sở đó còn tạo ra cơ hội để khách hàng lựa chọn phương thức bảo vệ quyền của mình một cách tốt nhất. Nếu qua việc tư vấn trực tiếp bằng miệng mà khách hàng yêu cầu tư vấn bằng văn bản thì người tư vấn sẽ giúp họ làm việc đó.
2. Những sai sót thường gặp của người tư vấn khi tư vấn pháp luật bằng lời nói và giải pháp khắc phục
2.1 Những sai sót thường gặp của người tư vấn khi tư vấn pháp luật bằng lời nói
- Nói quá nhanh
- Nói giọng địa phương
- Dùng nhiều từ ngữ chuyên ngành
- Nói quá nhiều, không đúng vào trọng tâm câu hỏi của khách hàng
- Không ghi chép lại những gì khách hàng nói.
- Lơ đãng với khách hàng và tỏ thái độ coi thường câu chuyện của họ
- Phán xét, đưa ra nhận xét, đặt ra những giả định, chỉnh lý, lên lớp về mặt đạo lý; áp đặt ý tưởng, kinh nghiệm của mình chokhách hàng
- Đưa ra lời khuyên khi khách hàng không yêu cầu.
- Đưa ra phương án tư vấn pháp luật chung chung.
2.2 Giải pháp khắc phục
- Tuân thủ đầy đủ các quy trình tư vấn pháp luật bằng lời nói.
- Khắc phục, sửa chữa cách nói
- Nhanh ý nắm bắt được tâm lí, tâm trạng cũng như mong muốn của khách hàng
- Tạo cho khách hàng một không gian thoải mái, tinh thần nhẹ nhõm
- Không phán xét họ, không nên ngắt lời, thể hiện cử chỉ không lắng nghe, nói năng thiếu lễ độ,…
- Kỹ năng tra cứu văn bản, tài liệu pháp luật thật nhanh
- Ghi chép đầy đủ những thông tin, chi tiết cần thiết mà khách hàng cung cấp
Nguồn: luatnqh
Tham khảo thêm: Website - Yếu tố không nhỏ quyết định thành công của bạn.